Đôi giày cũ
Đôi giày cũ không xấu, chỉ có tâm hồn con người mới xấu xí và méo mó mà thôi! Làm ngành dịch vụ, chỉ có khách hàng được bóc phốt thái độ/sản phẩm của chúng tôi. Còn chúng tôi phải im lặng chịu đựng những gì xấu xí, méo mó của họ.
Hôm nay làm việc ở layout – chỗ trưng bày hàng hóa ở cửa hàng, tôi thấy một đôi giày cũ. Chuyện thấy một đôi giày cũ thì có gì đâu nhỉ, một khách hàng để quên chăng? Đôi giày cũ nhưng chiếc giây lai được thay mới và vẫn còn gắn chiếc tag size của nhà sản xuất, và để khuất bên trong với tít trên cao. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là sao đôi giày này lại cũ nhỉ? Liệu có phải để lâu quá nó bụi bặm phong trần vậy không? Nhưng khi nhìn đế giày đã lấm lem, thân giày đã sờn và tag bên trong đã hoen ố tôi mới nhận ra đây là một dấu hiệu của sự lươn lẹo. Đôi giày đã từng được sử dụng qua biết bao con đường bởi một con người (chứ không phải con nào khác) và đã được họ mang đến trao trả cho chúng tôi như trao đi một kỷ vật mà không lời nhắn nhủ. Tất nhiên, họ đi đôi mới của chúng tôi về và cũng ra đi thinh lặng như thế.
Cửa hàng nơi tôi làm việc rộng như một sân vận động mini. Chúng tôi cung cấp những sản phẩm và phụ kiện cho các môn thể thao thông dụng được chơi ở Việt Nam, từ leo núi, chạy bộ, xe đạp đến bơi, bóng thậm chí bắn cung cưỡi ngựa. Chúng tôi muốn hướng tơi mô hình khách hàng có thể tự lựa chọn và chủ động nên nhân viên thường không đông và không theo dõi bao quát hết toàn bộ khu vực mà mình phụ trách. Nhưng có rất nhiều trường hợp khách hàng thực sự chủ động, nhưng chủ động đến tầm này thì tôi thực sự khâm phục.
Những tưởng đổi cũ lấy mới chỉ là một chiêu trò bán hàng của các cửa hàng ngoài kia, ai ngờ khách hàng của chúng tôi lại có thể vận dụng nó một cách linh hoạt đến vậy. Tôi thầm công nhận và tấm tắc ngợi khen sự chủ động và dũng cảm của họ. Những người làm được chuyện đó họ đã phải vượt qua bao nhiêu sự sợ hãi và những nguy cơ bị bắt được, bị nghiệp quật để thực hiện hành động ấy chứ. Và họ đã làm, không chỉ một lần với cửa hàng nơi tôi làm việc. Có những trường hợp còn cắt tag quần áo, hoặc để giày cũ trong chính phòng thử đồ của chúng tôi. Những lúc như thế, chúng tôi chỉ có thể lắc đầu và buồn bực trong lòng nhiều chút. Khách hàng đến mua hàng không hài lòng gì họ có thể bóc phốt chúng tôi lên mạng xã hội. Nhưng chúng tôi khi gặp những trường hợp khó đỡ như thế này chỉ có thể tặc lưỡi và ngẫm ngợi về nhân sinh mà thôi.
Tôi không phải một kẻ ngây thơ để nghĩ rằng trên đời không tồn tại những chuyện như vậy, hay những người như thế. Nhưng tôi vẫn không thôi bất ngờ khi bắt gặp điều đó xảy ra. Bởi một kẻ hèn nhát như tôi, những việc đó là quá sức và quá tốn tâm tư để có thể làm.