Chiến tranh không có khuôn mặt của phụ nữ

February 24, 2022 0 By tamvivu

Chiến tranh vốn chẳng có hình hài hay khuôn mặt. Bởi thế gian này có ai nhìn nhận được dáng hình của sợ hãi và khổ đau. Nhưng từ trước đến nay, phải chăng chúng ta nhìn chiến tranh theo cái cách “đàn ông quá”, mà quên đi rằng chiến tranh cũng xuất hiện những mềm yếu mang đầy thiên tính của phụ nữ.

Những người tham gia trận chiến có sợ không?

Tôi đã từng ngồi trên đỉnh đồi A1 giữa sắc trắng trời của màu hoa ban giữa thành phố Điện Biên hào hùng lịch sử mà hỏi một người lính rằng

– Lúc nghe theo tiếng gọi ra trận ấy các bác có sợ không?

Tôi không nhận được câu trả lời cho câu hỏi ấy. Và tại sao tôi lại hỏi? Bởi là một kẻ được sống giữa hòa bình, mỗi khi nghe những câu chuyện về chiến tranh tôi đã luôn thắc mắc – Họ có sợ không? Đối mặt với làn mưa bom bão đạn, với chết chóc và thương tật, với những tăm tối và khổ đau, họ có sợ không? Hoặc khi dứt áo ra đi khỏi quê làng bình yên, khỏi vòng tay gia đình bao bọc, họ đi với một tâm thế như thế nào?

Điều đó cũng như khi đọc Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ. Ta hỏi một người tham gia chiến tranh rằng lúc bước chân đi theo tiếng gọi của con tim ấy, người có sợ không? Người không trả lời có sợ hãi hay không nhưng cũng không bất khuất phóng khoáng mà đáp rằng Không sợ. Mấy ai biết được sự đáng sợ của chiến tranh nếu như chưa từng đi qua nó. Và mấy ai nhìn chiến tranh dưới con mắt rất đời thường, họ chỉ nhìn qua những chiến công anh dũng hay những khổ đau bất hạnh đến cùng cực.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ - Reviewsach.net

Một mặt mềm yếu của chiến tranh

Đọc Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ, ta sẽ nhìn được Chiến tranh qua những bím tóc tuổi 16, qua những cánh áo vai rơi rộng quá khổ thân người, qua những ngây thơ của tuổi trẻ và qua cả những năm dài tháng rộng của những con người đã đi qua chiến tranh và mãi đi trong nó dù hoà bình đã lặp lại. Đâu phải sự khốc liệt và tàn nhẫn của chiến tranh chỉ đến từ những cái chết hay những mảnh thân người mãi nằm lại nơi chiến trường, đó còn là những mảnh thơ ngây của tuổi trẻ, những phần hồn, những phần người rất người đã mãi bị chôn vùi trước sự tàn nhẫn của chiến tranh. Lòng căm thù là vũ khí mạnh mẽ để con người có thể dẫm đạp lên nhau và chấm dứt mạng sống của nhau. Nhưng khi chiến tranh thiếu đi lòng căm thù, tôi tự hỏi liệu đường đạn có lệch và lưỡi lê có đủ sắc bén để đâm xuyên da thịt của những người cùng đồng loại. Những người con gái tham gia chiến tranh, cái thiên tính mềm yếu của phụ nữ ấy trong chiến tranh đôi khi còn vượt lên cả lòng căm thù dành cho kẻ địch tàn ác nhất của mình để trong họ trào dâng một nỗi thương xót mong manh hoặc ít ra không có ý định làm cho kẻ địch ngừng hơi thở.

Những người đàn ông tham gia chiến tranh với lý tưởng hào hùng, vậy còn phụ nữ. Họ tham gia chiến tranh bằng ý chí như thế nào và kể từ khi chứng kiến những bom rơi máu chảy, họ đã có suy nghĩ về chiến tranh ra sao? Những người lính nữ ấy? Những mềm yếu của tính nữ trong chiến tranh có bộc phát ra bằng sự nhát gan và sợ hãi, có bộc lộ trong chiến tranh bằng trốn tránh và thương xót kẻ địch? Hay tính nữ trong chiến tranh còn mạnh mẽ gấp vạn lần những tính nam đầy hùng dũng và khí thế mà biết bao gương mặt chiến tranh mang tính đàn ông từ trước nay ta vẫn nghe kể? Những câu trả lời này sẽ đều xuất hiện trong Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ.