Dù rời đi đâu, hay bỏ lại những gì bạn vẫn phải mang theo chính mình

November 6, 2022 0 By tamvivu

Dọc đường từ Đà Bắc vào xóm Sưng hai bên toàn là núi đồi. Nếu là cô của ngày xưa, có lẽ cô đã thầm cảm thấy khoan khoái, phấn khích và hăm hở biết bao. Nếu là cô của trước đây, cô sẽ cảm giác thèm khát được thoát khỏi chiếc hộp kim loại di động đang mang cô băng qua những con đường quanh co leo lên triền dốc, để ra ngoài kia và tận hưởng bầu không khí trong lành ấy. Nhưng lần này, cô mang theo một tâm trạng đầy hoang hoải và thờ ơ đi qua những triền đồi, đi qua những rặng mây mỉm cười trong vạt nắng hanh của tháng 11 mà lòng nặng trĩu những suy nghĩ hư vô.

Con đường từ Đà Bắc, đến Cao Sơn rồi vào xóm Sưng đã được đổ bê tông. Một số đoạn đường bị sụt lún đang chờ sửa, còn lại đều đẹp. Chiếc hộp sắt kim loại mang cô cùng người bạn đồng hành là một tình nguyên viên người Mỹ nhẹ nhàng leo lên những con dốc, băng qua những gập ghềnh của những đọa đường xuống cấp để tiếp cận đến những bản làng mới phát triển của Đà Bắc. Ấy vậy mà qua những gập ghềnh đó, sự buồn vu vơ cũng chẳng rơi rớt lại là bao mà vẫn đeo bám cô đến tận những bản làng xa xôi của Đà Bắc.

Đà Bắc những năm gần đây du lịch cộng đồng được đẩy mạnh. Xu hướng du lịch trải nghiệm văn hóa ngày càng được ưa chuộng. Sau những ngày lao động mệt mỏi, sau những tháng ngày sống ồn ã nơi thị thành khói bụi, người ta muốn dành những phút giây thảnh thơi của mình để được sống chan hòa với thiên nhiên tại những nơi bình yên như thôn quê, làng mạc. Sau những ngày sống trong những tòa nhà tiện nghi với bê tông và cốt thép lạnh băng vô hồn, người ta lại thích được nghỉ ngơi thư giãn trong ngôi nhà với mái tranh tường gỗ. Chán những phố thị với những ngôi nhà kín cổng cao tường, người ta lại thấy thích thú với những xóm làng mà nhà cách nhà chỉ là một dậu mồng tơi, một bờ tường thấp hoặc chẳng gì cả. Ở nơi đó, để đi sang nhà hàng xóm họ chỉ cần vượt qua lối nhỏ sau nhà, để hỏi nhau trò chuyện chỉ cần đứng ở sân nhà bên này nói với sang bờ giếng bên kia. Ở nơi đó, nhà bên này hôm nay nấu món gì, nồi cơm lỡ khét hay ấm nước đã sôi là nhà bên kia đều tỏ tường.

Phải chăng những thứ đó nhắc nhớ họ về một thời xa xưa, khi còn bé thơ họ cũng sống trong một xóm làng mà sự gắn kết vẫn còn sâu sắc, những ngôi nhà vẫn chỉ cách nhau bằng một bờ chè mạng. Nhắc nhớ họ về một thời tưởng như chỉ vừa mới hôm qua, khi sự phát triển vẫn chưa ăn mòn tình làng xóm.

Và khi trở về với những nơi thôn quê bình dị như vậy, tâm con người ta sẽ trở nên an yên. Rồi người ta sẽ thấy lòng nhẹ bẫng, cởi bỏ những lo âu và toan tính. Như khi bước qua cánh cổng làng hay chiếc cổng một ngôi nhà tranh vách gỗ, người ta sẽ cởi bỏ lớp áo phố thị đầy mỏi mệt và bụi bặm. Và nếu như có lỡ vẫn mang theo những toan tính lo lâu theo vào sau cổng làng, cô sẽ cảm thấy thật phí phạm. Cô của trước đây cũng tưởng như thế và đã từng như thế. Cô nghĩ rằng chính cảnh vật bình yên kia, những thiên nhiên xanh thẳm kia, những tình người dân dã, những mái nhà tranh kia sẽ khiến tâm tình con người ta trở nên cởi mở, giúp họ gột sạch những lo âu. Hoặc dù chỉ là tạm bợ, họ sẽ xếp lại được những muộn phiền vào một góc, khóa nó lại để cho tâm trí được ngơi nghỉ và thư giãn. Nhưng lần này, cô lại thấy một cảm giác khác hẳn so với rất nhiều lần trước đây. Phải chăng cô mang theo một tâm trạng quá nặng những lo âu và chới với, đến độ những thứ tưởng chừng như có sức mạnh như thiên nhiên và tình người kia cũng không thể làm nhẹ bớt nỗi chênh vênh trong lòng cô.

Rồi cô nhận ra rằng, con người ta có thể bỏ lại rất nhiều thứ đằng sau chiếc cổng, có thể tạm xếp lại rất nhiều những muộn phiền để tận hưởng những giờ phút thoải mái hay bình yên. Nhưng dù có bỏ lại những gì đi nữa, thì con người ta vẫn phải mang theo chính mình.