Nấu-ăn Cá Kho Riềng nghĩ chuyện sống-chết
Dạo này tôi hay nấu và ăn món cá kho riềng. Ăn nhiều quá, đâm ra tẩu hỏa nhập văn, viết vài dòng xoay quanh món ăn này. Cũng không phải thấm đẫm triết lý nhân sinh gì. Chỉ là xoay quanh cuộc sống, nấu ăn, tinh thần và những nghĩ suy hàng ngày.
Giới thiệu về món cá kho riềng – mang thương hiệu tieudao
Cá kho riềng là một món ăn nhà nấu, một món ăn dân dã, không cầu kỳ nhưng nấu lại hơi tốn thời gian. Đặc biệt mùi vị rất thơm ngon và ăn cực kỳ tốn cơm. Cá kho riềng dùng là cá nuôi ao, loại cá mình dày như trắm, trôi, chép. Ba loại cá này mới hợp với riềng sả để cho ra món cá kho riềng ngon đúng điệu. Cá kho riềng có thể nói là một đặc trưng của ẩm thực miền Bắc – sử dụng những giá vị có mùi nồng, đậm và ưu tiên vị đậm đà của món ăn. Trong khi ở miền Nam thì họ lại thích kho ngọt – thường là cá khó dứa (loại này lại có thể dùng cá quả, cá chim…).
Cá kho làng Vũ Đại cũng là một loại cá kho riềng được chế biến rất công phu, cá sử dụng là loại trắm đen thịt dày, thơm. Còn cá kho thương hiệu tieudao thì khá là bình dân. Mình chỉ hay dùng loại cá trắm thường. Dạo này cứ một tháng đi chợ khoảng 4 5 lần thì 2 lần mua cá. Trước đây chỗ ở cũ cũng hay mua cá chợ Nguyễn Trãi (gần ga Thượng Đình) thì cá chỉ có giá 70 – 80.000/kg. Thế mà giờ chuyển gần lên phố (Ngọc Khánh) cá cũng theo đó mà lên giá khoảng 90 – 100.000đ/kg.
Cá kho làng Vũ Đại thì có giá hơn triệu đồng một nồi. Còn nồi cá kho mình nấu là vô giá. Ấy là bởi mình nấu nồi cá kho ấy không phải chỉ cho một bữa ngon miệng. Mà là cho một bữa vui, cho một ngày cảm thấy ý nghĩa và cho một đời cảm thấy no ấm. Tuy nhiên nếu có ai mua hơn 1 triệu một nồi mình cũng bán ạ.
Nấu món cá kho riềng như thế nào?
Nấu món cá kho riềng như mình nấu không hề khó. Chỉ là hơi tốn thời gian và nhiều công đoạn. Công thức mình nấu không quá khác biệt so với hàng loạt những bài viết SEO khác chia sẻ công thức nấu ăn. Tuy nhiên mình có thêm mắm dặm muối những kinh nghiệm khi làm để giúp bạn thực sự có thể thực hành nấu một bữa cá kho ngon mà không bị vướng mắc ở bất cứ công đoạn nào. Để nấu món cá kho riềng thì cần 3 khâu: Chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, nổi lửa.
Chuẩn bị nguyên liệu nấu cá kho riềng
Bước đầu tiên là bạn cần xách làn/túi ra chợ mua ngay những nguyên liệu này:
– Cá (trắm, chép, trôi), cá mè thì hơi tanh nên bạn chọn ba loại cá kia vừa hợp vị, dày mình, đỡ xương lại đỡ tanh nhé. Tùy khẩu phần nếu ăn một mình bạn có thể mua nửa kg (ăn được 2 bữa ). Mình chọn nửa kg.
– Thịt ba chỉ (chọn loại thịt ba chỉ nhiều nạc, ít mỡ)
– 3 lạng- Riềng 1 củ
– Sả 2 củ
– Gừng một đốt ngón tay
– Đường 3 thìa cafe đầy
– Mắm, muối, tiêu, hành, tỏi (mấy gia vị này thì tùy bạn thôi – hành 3 củ, tỏi 1.5 củ là vừa với số nguyên liệu trên).
– Chanh, ớt
Những nguyên liệu này đều là nguyên liệu phổ biến, không quá khó tìm.
Sơ chế món cá kho riềng
Bước 1: Rửa cá – khử tanh
Đầu tiên bạn cần khử mùi tanh của cá bằng cách rửa cá với hỗn hợp muối + chanh. Hãy rửa qua cá một lượt nước, sau đó dùng tay chà muối + chanh lên thân cá cho đều (cố gắng lấy sạch lớp màng đen bên trong bụng cá nhé -vì nếu để lại cá sẽ rất tanh). Sau đó rửa sạch cá lại bằng nước lạnh và cho vào rổ thưa để cho ráo nước.
Bước 2: Ướp cá trong vòng 2 tiếng
Công đoạn này bạn lấy 1 củ sả + nửa củ riềng (khoảng 2 đốt ngón tay thôi) + 1/2 số gừng đã mua + 1 của hành + nửa 1 củ tỏi bóc vỏ ra. Hỗn hợp này bạn cần thái + băm nhỏ. (Với riềng và gừng bạn lên thái lát sau đó dập để nó ra nước rồi hãy băm nhỏ để chúng dễ thấm vào cá). Cá đã ráo nước bạn cho vào nồi rồi cho hỗn hợp băm nhỏ kia vào nồi cá. Sau đó cho muối + mắm + tiêu (phần này mình thề là phải do ông bà tổ tiên mách bảo rồi) chứ mình không có định lượng được. Cái này chắc người nấu nhiều sẽ chừng được mấy lần xóc hộp đựng gia vị là ổn. Khi đã cho đủ lượng gia vị vào rồi bạn cắt ớt thành miếng to rồi cho vào để lúc ăn biết nhè ớt ra nhé. Sau đó bạn xóc đều cá lên. Mình không dùng đũa vì dùng đũa dễ nát cá. Thay vì thế bạn bê cả nồi lên và xóc sao cho cá và các các loại nguyên liệu cứ nhảy múa với nhau. Phần này thanh niên nào hậu đậu là dễ cá nhảy ra ngoài lắm. Sau khi chúng nhảy mệt rồi bạn cho chúng nghỉ khoảng 2 tiếng rồi mới xử tiếp nha.
Bước 3: Ướp thịt
Thịt ba chỉ về rửa sạch và thái lát dày. Rồi bạn ướp số thịt này với hành + tỏi + mắm + muối + tiêu. Và để đó trong khoảng 2 tiếng.
Bước 4: Lót đáy nồi
Số sả + riềng + gừng còn lại bạn thái thành lát, sả thì chặt dài như ngón tay sau đó xé sợi. Riềng và gừng thái lát mỏng và dập dập cho ra nước. Sau đó bạn lót xuống đáy nồi kho cá. Nồi kho cá nên chọn nồi giày một chút nhé. Bước này để giúp cá thấm đẫm hương gia vị và tránh cá bị dính nồi.
Bước 5: Chuẩn bị nước màu (thực ra bước này bạn nên làm lúc chiên cá xong)
Bạn không cần mua nước màu ngoài chợ đâu. Bạn hãy dùng khoảng 3 -4 thìa đường (trắng hoặc vàng). Đặt một chiếc chảo lên bếp, cho nóng chảo rồi cho đường vào. Nhớ để lửa nhỏ để tránh cháy đen đường nhé. Và dùng đũa khuấy cho đường tan đều. Sau đó đường sẽ chảy thành một hỗn hợp sệt sệt, hỗn hợp ngả màu cánh dán thì bạn đổ khoảng 3 bát nước vào nhé (có thể chọn nước nóng hoặc nước lạnh đều được). Sau đó bạn đun sôi nước này lên. Vì lúc bạn đổ nước nóng vào, hỗn hợp đường kia nó sẽ cứng lại như kẹo. nhưng đun sôi nước lên thì nó sẽ tan ra và thế là bạn đã có nước kho cá kết hợp tạo màu cho món cá kho rồi.
Nổi lửa lên cho món cá kho riềng
Đến bước nổi lửa rồi bạn ơi Nhưng đầu tiên bạn cần chiên sơ qua cá để vừa khử tanh lại giúp cho miếng cá săn chắc. Bạn cho dầu vừa đủ (dùng như chiên trứng ấy – không nhiều cũng không ít). Sau đó dầu nóng thì cho cá vào chiên sơ. Nhớ là để lửa ở mức vừa phải, không quá to cũng không quá nhỏ. Mức lửa này vừa giúp bạn chiên nhanh lại giúp cá không bị khô. Sau khi cá săn lại và có vàng vàng một chút thì bạn lấy ra và đặt vào nồi kho cá đã được lót riềng sả gừng lúc nãy nhé.
Lưu ý phần này bạn nên gạt hết những vụn hành tỏi riềng sả băm nhỏ khỏi cá trước khi chiên để tránh chúng bị cháy đen. Dầu sau khi chiên cá nếu còn nhiều bạn có thể cho ra bát để nguội rồi cho vào chai nhựa rồi vứt rác. Chớ đổ xuống cống tắc cống nha. Còn ít dính chảo thì bạn cho phần gia vị ướp cá (bao gồm vụn hành tỏi sả riềng băm nhỏ) vào và đảo đều cho vàng lên. Sau đó cho vào nồi cá kho sẽ vừa đỡ phí lại giúp cá kho đậm đà hơn. Thịt ướp kia thì bạn sắp đều vào nồi cá nhé.
Tiếp đến, món nước màu kia bạn có thể thực hiện sau khi chiên cá. Vì nên đổ nước màu và nước kho cá là nước nóng nhé. Không nên đổ nước lạnh sẽ khiến cá bị tanh. Nếu đổ nước vào mà thấy nước vẫn chưa săm sắp cá (có nghĩa là nó gần lút được phần cá-thịt kho) thì bạn nên đun thêm nước sôi và cho vào. Khi lượng nước đã đủ thì bạn bật lửa to và bắc nồi cá lên.
Vì dùng nước sôi nên nồi cá kho sẽ sôi rất nhanh. Bạn canh khoảng 3 phút cho sôi lửa to rồi vặn xuống lửa nhỏ. Để lửa nhỏ trong khoảng 20 phút rồi tắt bếp đi.
Tadaaaa chưa xong đâu ạ. Ông bà ta có câu, kho cá phải kho hai lửa, cá càng kho nhiều lửa thì càng ngon. Lúc ấy gia vị thấm đều, thịt cá sẽ mềm tan trong miệng. Vì vậy sau công đoạn trên bạn cứ để nồi cá kho- ngủ im trên bếp. Sau đó khoảng 3 4 tiếng thì lại nổi lựa một lần nữa. Lần này nổi lửa đến khi nào nồi nước cá chỉ còn khoảng gần nửa nồi, bạn thử thịt cá hoặc thịt ba chỉ thấy mềm là bạn đã có món cá kho riềng ngon đúng điệu cho bữa cơm ngon lành rồi.
Thành phẩm cá kho riềng ngon: Thịt cá mềm, thơm, thịt ba chỉ mềm tan trong miệng, màu cá hơi ngả nâu, nước sệt sệt nhưng không bị mỡ. Cá đậm đà, thơm. Đó là chỉ công thức nấu một món ăn hết sức bình dị mà bạn có thể chuẩn bị cho đời sống thường nhật của mình.
Nấu cá kho riềng nghĩ chuyện sống
Từ những bữa ăn đơn điệu
Dạo này mình hay nấu ăn. Và đặc biệt không ngần ngại nấu những món ăn phức tạp, công phu. Vậy nên mới có bài cá kho riềng này giới thiệu bạn đọc. Thế mới thấy trước đây cái thời mình nấu-chỉ-để-ăn mới tệ thế nào. Hồi đó ưu tiên nhanh-rẻ-đơn giản. Vậy nên bữa cơm quanh năm đi làm chỉ là thịt rang, đậu sốt, trứng chiên, canh suông, củ luộc. Nhớ có hồi làm ở công ty anh chị em rất thân thiết. Tụi mình hay mang cơm để thành một mâm chung rồi ăn chung như ăn buffet luôn. Hồi ấy lần nào cơm của mình trông cũng đơn điệu nhất. 1 món mặn, 1 món rau và cơm. So với nhiều người khác bữa cơm của mình chẳng khác nào bữa ăn tạm của người cùng khổ.
Mình rất khâm phục những người có thể nấu những món ăn cầu kỳ nhiều nguyên liệu. Không chỉ thế cũng có đôi chút ghen tỵ. Bởi lúc đó muốn tiết kiệm tiền nữa nên mình chỉ nấu những món đơn giản và ít tiền. Bạn mình thì nào mực xào rau củ, sườn 8 món (nói quá tí thôi), tôm rim… Từ món của núi đến món của rừng các bạn đều có. Riêng mình chỉ có chút món của đồng bằng ngày ngày tháng tháng lặp lại.
Cho tới tận gần đây, có nghĩa là trải qua kiếp sống đi làm được 6 năm, xa nhà khoảng chục năm – tâm trí mình mới có một chuyển biến lớn trong việc nấu ăn và đầu tư tâm sức cho bữa ăn. Nếu như trước đây mình coi bữa ăn chỉ là một thủ tục cốt sao cho nạp đủ năng lượng để lao động và vui chơi. Thì giờ đây – bữa ăn với mình là một niềm hạnh phúc đáng chờ trông. Giống như tâm trạng của mình chờ món cá kho riềng hoàn thành để ăn với bát cơm nóng hổi vậy.
Nấu ăn là một nghệ thuật…
Không!
Nấu ăn là một hành trình sống hạnh phúc và là một trải nghiệm sống thú vị và thư giãn. Khoảng 1 năm trở lại đây, với mình nấu ăn là một hành trình hạnh phúc. Nó giúp mình thư giãn rất nhiều và cảm thấy vui vẻ.
Từ chuyện đi chợ chọn nguyên liệu…
mình hay đi chợ truyền thống. Trước không nhận ra, giờ mới thấy mình đam mê đi chợ. Biết bao là thức rau củ quả thịt cá tươi rói cứ vẫy tay chào mình lúc mình đi qua. Thức nào thức nấy như vừa được đưa từ đồng, từ ruộng, từ biển từ ao lên. Nhìn đến là thích mắt. Rồi việc lựa chọn từng loại thực phẩm sao cho cân đối các bữa ăn trong tuần – vừa không lặp lại vừa ngon miệng. Cho đến việc mua đầy đủ các loại rau gia vị để món ăn thêm thơm ngon. Nói chuyện với các cô bán hàng và mặc cả đôi chút. Nhìn không khí tấp nập ồn ào náo nhiệt nhưng không hề vội vàng. Mình cảm thấy cuộc sống này sao lại nhiều sắc màu đến thế. Ở chợ chủ yếu là các bà các cô đi chợ và bán hàng. Hiếm thấy thanh niên nào đi chợ – có thể do mình thường đi chợ buổi sớm và tới các chợ truyền thống thay vì chợ tạm ở đường. Vậy nên mình toàn gặp các bà các cô chứ không thấy thanh niên trai tráng nào :)).
Việc đi chợ, và tìm được những món đồ tươi ngon, những hàng bán với giá tốt nhất chợ là cả một kinh nghiệm rất quý báu. Mỗi hàng chợ đều tồn tại một cô bán hàng rau siêu rẻ siêu giá tốt. Và hàng đó thì lúc nào cũng tấp nập người mua và chỉ cần mình đi chợ muộn chút thôi là đã không còn gì để mua rồi.
Nghe thì thấy cuộc sống có vẻ điền viên nhỉ. Đi chợ sáng, chọn thức ngon, trò chuyện dăm ba câu với các cô hàng xén. Bạn có tự hỏi bạn cũng đi chợ mua thức ăn nhưng chẳng có cảm giác và trải nghiệm như mình không? Đó là do bạn chỉ coi đi chợ như một việc -tiện qua đâu bán thì mua, tiện đi làm về thì ghé chợ. Chứ bạn không coi đi chợ là một trải nghiệm sống, là một việc cũng cần tích lũy kinh nghiệm.
Mình thường thấy hầu hết những người đi làm sẽ chọn đi siêu thị – hoặc đi làm về qua chợ gần nhà – sau đó ngồi yên vị trên xe và bảo cô bán hàng lấy cho cháu cái a, cái b, cái c. Rồi nhận hàng trả tiền rồi phóng xe đi, để lại đằng sau một lớp bụi mỏng manh. Thế thì đi chợ-với bạn nó chỉ là một việc tiện thôi. Nhưng thực tế, đó là một hành trình rất vui vẻ và thú vị. Đặc biệt nếu bạn đi chợ truyền thống buổi sớm mai., bạn sẽ thấy những sắc màu cuộc sống vô cùng rực rỡ. Không chỉ là thực phẩm rau xanh bày la liệt, không chỉ là người bán kẻ mua tấp nập, không chỉ là người chen người, không chỉ là tiền qua hàng lại. Đó còn là hình ảnh những người già xách chiếc làn đi chợ nặng trĩu những tình yêu gia đình. Đó còn là những xe hàng đầy những lo lắng mưu sinh, đó còn là những nghệ thuật khôn khéo trong việc bán hàng của các cô có số có má ở chợ, đó còn là những phận người đã gắn với chợ quá nửa đời người…
Thực ra với cuộc sống thuận tiện và vội vàng như hiện nay, các bạn trẻ khó có thể đặt ra thói quen sáng thức dậy 6h sáng để đi ra chợ mua thực phẩm. Đi siêu thị vừa tiện vừa thoáng mát. Ghé chợ tạm cũng mua được đủ đầy thực phẩm cho bữa ăn. Vậy thì cớ sao sáng phải vật vã với cơn buồn ngủ rồi đi chợ sáng làm chi. Mỗi người một quan điểm sống, một cách sống và một cách trải nghiệm. Bạn đi chọn đi siêu thị và đi chợ không có nghĩa là bạn thiếu trải nghiệm sống. Sẽ có nhiều cách khác để trải nghiệm cuộc sống này một cách tròn vẹn và thú vị. Bạn chọn như thế hay mình chọn sáng sớm thức dậy đi chợ truyền thống nó không quyết định cuộc sống của bạn thế nào. Nhưng mình chỉ “recom” cho bạn một trải nghiệm sống rất hay ho thú vị mà bạn có thể thử. Không biến nó thành một thói quen nhưng bạn có thể chọn nó như một trải nghiệm mỗi khi bạn thấy thích.
=>> Xem thêm:
Sống đời của chợ – hay đời của những đĩ chân
đến chuyện về nhà chuẩn bị nấu ăn
Sau khi mua được đầy đủ các thức rồi – hầu như hôm nào đi chợ mình cũng khuân rất nhiều – nào rau, nào quả, nào củ và các loại thịt cá. Mình đặt nó vào giỏ rồi ra về với một niềm hân hoan (nhưng hôm nào nghĩ mình bị mua đắt và hớ thì niềm hân hoan đó sẽ vơi đi đôi chút). Về tới nhà mình sẽ rửa qua thịt cá bỏ vào tủ đông ăn trong tuần. Rau thì mua khoảng 2 – 3 ngày. Quyết định xem hôm đó sẽ nấu gì rồi lấy ra rửa sạch sơ chế.
Ngày trước không bao giờ mình nghĩ tới chuyện ướp đồ ăn trước khi nấu. Ấy vậy mà giờ nấu món nào mà không ướp là mình thấy không được – phải ướp. Ướp thịt, cá trước khi nấu sẽ ăn miếng ăn đậm đà hơn. Như món cá kho riềng, bạn mà không ướp thì món cá kho riềng sẽ chẳng còn là món cá kho riềng nữa. Nó chỉ là bạn đang ăn cá với riềng thôi. Miếng cá sẽ nhạt thếch, vị vừa vào trong miệng đã bay biến. Vậy thì còn gì là ngon nữa.
Nghe tới đây nếu như là một chuyên gia self help thì sẽ liên hệ nó với thái độ sống của bạn. Đó là để có một kết quá mỹ mãn đậm đà – bạn cần cho nó một giai đoạn chuẩn bị với những chất xúc tác quan trọng, rồi thời gian trôi qua, bạn có lòng chờ thì đời sẽ có lòng đáp trả. Đó là chuyên gia thì nói vậy. Nhưng mình chỉ dùng nghĩa đen thôi. Là tất cả các món ăn nấu mặn, bạn đều nên ướp gia vị thì nó mới ngon nhé – kinh nghiệm sống còn đó.
Việc tỉ mẩn làm từng loại rau gia vị, đến việc cân đo đong đếm mắm muối sao cho vừa là một chuyện không dễ – nhưng làm nhiều thì nó biến thành cảm giác. Với từng này thức thì cho từng đó gia vị là vừa. Công đoạn sơ chế, ướp rồi nổi lửa đòi hỏi sự kiên trì, tỷ mỷ và thời gian. Nhưng nó lại là công đoạn khiến mình cảm thấy thư giãn nhất. Nếu như đi chợ là một trải nghiệm sống thú vị để nhìn đời, nhìn người, nhìn sự việc. Thì sơ chế, ướp và nấu ăn lại là một hành trình nhìn mình.
Lúc mà bạn tỷ mẩn từng chút bóc từng tét tỏi ta, lúc mà bạn tỷ mẩn nhặt từng lá rau vàng, chết ra khỏi mớ rau xanh bạn sẽ nấu, lúc bạn nêm từng chút gia vị vào thịt-cá để ướp, bạn sẽ thấy một niềm vui nho nhỏ dâng lên trong lòng. Bạn có thể nghĩ đủ thứ chuyện trong lúc ấy. Từ việc làm sao cho vừa miệng, cho gọn gàng căn bếp – đến việc mình có thể nấu những món ăn ngon này cho ai – cho ba mẹ, cho người bạn yêu và thương. Bạn sẽ cảm thấy tay nghề mình lên level từng ngày, bạn cũng có thời gian nghĩ chuyện nọ, chuyện kia – toàn những chuyện tích cực. Vì làm những việc ấy nó như một thú vui thư giãn, thì mấy chuyện tiêu cực chẳng thể nào xâm phạm được.
Và đặc biệt là nếu như vào buổi sáng, nhà bạn ở trong một ngõ tĩnh lặng, phía ngoài ban công có vài chiếc cây, chỗ nấu ăn có cửa sổ thông ra đường ngõ. Những ngôi nhà bên cạnh vẫn còn ngủ im, thành phố mới chỉ một nửa thức giấc, bạn sẽ thấy tâm hồn an yên đến lạ. Có thể bạn sẽ cảm thấy – như mình, cuộc sống cứ nhẹ nhàng trôi như thế, bạn chăm chút đến từng thứ nhỏ nhặt, bạn chú tâm vào từng bữa mình nấu, bạn cố gắng từng chút từng chút tập trung vào cuộc sống của bản thân – nâng cao chất lượng của nó bằng cách nâng cao chất lượng các bữa ăn, như thế cũng là phát triển bản thân, như thế cũng là bạn đang tiến lên từng ngày.
Ăn cá kho riềng – nghĩ chuyện sống-chết
Bạn có bao giờ háo hức trước mỗi bữa ăn không? Như mấy đứa trẻ con ấy. Trước mỗi bữa ăn mà chúng biết rằng có món chúng thích, chúng sẽ cực kỳ háo hức và trông mong. Mình dạo này cũng thế. Trước mỗi bữa ăn mình luôn cực kỳ háo hức, đặc biệt là hôm nào nấu món cá kho riềng – bởi mình biết rằng mình sẽ ăn một bữa ăn thật ngon do mình nấu. Bởi mình biết món ăn đó mình đã tỷ mỷ chuẩn bị ra sao, mình hình dung được thịt cá sẽ mềm và thơm thế nào, nước sốt sẽ sền sệt và chan với cơm nóng sẽ ngất ngây ra sao. Miếng thịt ba chỉ mềm và béo sẽ tan trong miệng mình thế nào. Tất cả những thứ đó cứ quẩn quanh trong đầu mình lúc gần tới bữa ăn. Thế là mình có một ngày vui, hạnh phúc.
Hôm qua có một người chị hỏi mình: Có bao giờ em sớm mai thức dậy và cả ngày dài em cảm thấy cuộc sống của mình không còn gì để trông mong, để chờ đợi hay hy vọng không? Mình đáp có chứ. Sẽ cảm thấy mọi thứ quá nhàm chán, không có gì để trông đợi hay hy vọng. Không phải chỉ những người đã thành công, hoặc những người đang rất chán nản mới có tâm trạng ấy. Mà bất cứ ai trong chúng ta dù đang trong giai đoạn nào của cuộc đời, dù còn trẻ hay già. Chỉ cần bạn bắt đầu biết suy nghĩ thì cái cảm giác kia có thể đến bất cứ lúc nào. Chúng sẽ thường lặp lại – hoặc kéo dài – hay tạm thời mất đi – tùy thuộc là ở cách mà bạn ứng xử với cảm giác đó.
Có người sẽ chờ đợi cho nó qua đi, và vẫn lê lết sống qua những ngày mà cảm giác đó hiện hữu. Cũng có người sẽ cố gắng xóa bỏ nó, bằng cách nghĩ tích cực, nghĩ đến những điều trông mong và kéo bản thân vực dậy. Cũng có nhiều người – nếu đời sống của họ trước đó tồn tại những thứ xấu xí, họ sẽ mất kết nối với thế giới và họ quyết định từ bỏ cuộc sống, từ bỏ bản thân. Cũng có người sẽ ngắt kết nối với thế giới tạm thời, trốn vào một góc để gặm nhấm cảm giác đó, rồi một ngày họ mở toang cửa bước ra – hân hoan và rạng rỡ. Nhưng cách tốt nhất mà bạn có thể làm với cảm giác này – đó là hành động.
Không cần cố ép bản thân phải tích cực, phải lạc quan, phải tin sống và yêu sống. Bạn có thể lựa chọn những điều nho nhỏ để kéo mình trở lại kết nối với cuộc sống, tìm kiếm những chờ trông nho nhỏ – như chờ trông một bữa ăn với món cá kho riềng bạn đã cất công chuẩn bị. Hoặc tìm kiếm những thứ mới mẻ để bạn chờ trông. Kế hoạch cho một chuyến đi khám phá, du lịch, kết hợp cùng bạn bè làm một dự án gì. Đặt ra mục tiêu nho nhỏ có thể làm được trong năm sau: như đi du lịch một đất nước khác, mua sắm cho ba mẹ được món đồ đắt giá, đưa ba mẹ đi du lịch… Hoặc bạn có thể tìm kiếm sự trông mong vào ngày mai, vào tuần sau, tháng sau bằng cách lên ngay một cái hẹn với bạn thân đến nơi mà bạn thích nhất, đi ăn món mà bạn ưng nhất, thử một điều hoàn toàn mới mẻ (xem kịch, xem múa rối, nghe hòa nhạc, đi pub…).
Nguồn: Pin
Không nhất thiết phải là những thứ lớn lao hay đao to búa lớn. Bạn tìm kiếm được sự chờ đợi và hy vọng từ những điều rất nhỏ. Đó là cách mà chúng ta kết nối với cuộc sống và với thế giới.
Mình viết hơi lan man, đá vấn đề nọ, nhảy vấn đề kia, nhưng vẫn muốn chốt lại một điều muốn gửi gắm tới bạn trẻ. Tự nấu ăn nào các bạn ơi, chăm chút cho bữa ăn của mình là chăm chút cho tâm hồn mình đó. Nên đừng ăn ngoài nhiều quá, đừng chỉ ăn qua loa, đừng chỉ sống qua loa hay vội vàng nữa. Sống chậm một chút, tỷ mỷ một chút nào. Để chúng ta thấy những hạnh phúc nhỏ nhoi và những điều trông đợi nhỏ nhoi sẽ khiến cuộc sống này thật đẹp và đáng sống.