Suối nguồn – Cuốn Self-Help nên đọc lúc 27 tuổi
Hồi 23 tuổi tôi đọc Suối Nguồn và khâm phục Roak biết bao vì sự mạnh mẽ, kiên định, bản lĩnh và tài năng. Nhưng 30 tuổi tôi đọc lại và thấy ở mình sự yếu đuối, vị kỷ và thiếu bản lĩnh.
Tôi mới đọc lại hơn 1000 trang Suối Nguồn trong 3 tuần. Cuốn Self Help này khiến tôi vừa tâm đắc lại vừa vật vã với cái tôi của chính mình. Cách đây 7 năm tôi đã đọc Suối Nguồn và chỉ nhớ được Roark như một hình tượng con người mà tôi mơ ước. Bản lĩnh, tài năng, tự tôn, kiên định và lý tưởng. Giờ đây tôi nhìn Roark như một con người soi rõ những yếu điểm và kém cỏi của bản thân mình.
Tại sao lại là Self Help?
Nghe đến sách Self Help bạn nghĩ ngay đến những gạch đầu dòng chỉ dẫn bạn phải sống thế này, ứng xử thế kia, nghĩ như này, làm như kia. Mặc dù Suối Nguồn hoàn toàn không có những gạch đầu dòng như vậy nhưng nó là một sổ tay chỉ dẫn SỐNG dài và khổng lồ nhất thế giới. Và cuốn self help này không nói về chân lý sống, nó là lý thuyết để bạn tự thực hành chân lý của chính mình. Những gì mà nhân vật nghĩ, làm, nói trong sách – kể cả nhân vật chính hay phụ, phản diện hay chính diện đều giúp mình tự nhận thức bản thân của hiện tại và chỉ của hiện tại. Nó không chỉ dẫn mình phải thay đổi suy nghĩ từ hôm nay hay kế hoạch hành động cho ngày mai. Nó giúp mình nhận thức bản thân và những người xung quanh một cách rõ rệt hơn nhờ vào câu chuyện mà nó kể. Một cách mạnh mẽ – nó khiến mình nhận thức bản thân rất rõ ràng. Nhận thức xong và làm gì tiếp theo đó là việc của mỗi người.
Suối nguồn – lời tuyên ngôn tự do của người “ích kỷ”
Cuốn sách là một bức tranh xã hội hiện thực với sự đối lập của hai mảng màu tương phản: đen và trắng. Mảng màu đen đại diện cho những kẻ sống thứ sinh, những kẻ tồn tại dựa vào sự công nhận của người khác, những kẻ tự từ bỏ đi lòng tự tôn của cái tôi để sống trong một bầy đàn dưới cái mác hy sinh vì tập thể. Mảng màu trắng đại diện cho những người mang trong mình bản lĩnh và sự tự tôn tuyệt đối – họ có sự ích kỷ trong mình nhưng sự ích kỷ ấy nêu bật giá trị của chính họ và những người bản lĩnh khác. Những người coi trọng chính mình và tôn trọng cái tôi của người khác. Những người trân trọng những gì mình làm ra – những người cuồng tín và quên mình, những người sống theo chủ nghĩa anh hùng – tự mình tạo lập nên những thành quả vĩ đại nhưng lại không quan tâm đến sự vĩ đại.
Hai thể đối lập này cùng tồn tại trong một xã hội. Trong Suối Nguồn – nó gắn vào thời kỳ đại suy thoái của Châu Âu, trong một xã hội thu nhỏ của Tp New York, nơi mà những kẻ sống thứ sinh tồn tại đầy rẫy – chúng có được danh tiếng, tiền bạc và sức mạnh dư luận. Và những người sống tự tôn – họ sống vật vã với nỗi cô đơn của riêng mình và với một sức mạnh nội tại đầy gai góc. Những kẻ thứ sinh rất giống nhau, nhưng những người mang lòng tự tôn và sức mạnh cá nhân lại rất khác nhau.
Sự cá tính của Roark
Cuốn sách chia thành 4 phần, mỗi phần tập trung vào một nhân vật trong bức tranh xã hội ấy – Peter Keating, Ellsworth Toohey, Gail Wynand và Howard Roark. Tuy nhiên mạch truyện được xuyên suốt và kể theo một tuần tự tự nhiên. Tất cả đều xoay quanh cuộc đời của Howard Roark – Một kiến trúc sư theo trường phái hiện đại với cái tôi bản lĩnh, với lòng tự tôn tuyệt đối và sự kiên định lý tưởng. Howard Roark tôn trọng cái tôi và trân trọng sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Anh coi các công trình kiến trúc là một thực thể riêng biệt. Chúng được tạo nên chỉ với một sứ mệnh duy biệt – chúng không nên và không thể là những công trình được kế thừa hay bắt chước. Chúng được tạo ra để phục vụ các nhu cầu sử dụng chính nó của con người chứ không phải được xây nên để nhằm thỏa mãn những thị hiếu của dư luận hay công chúng. Anh cũng coi mỗi con người là một cá thể riêng biệt, có lòng tự tôn, có cái tôi mạnh mẽ, tài năng, trong sạch và dũng cảm. Chính vì vậy, anh trân trọng những con người có tài năng và cái tôi cũng như anh tôn trọng những công trình được tạo ra để phục vụ một và chỉ một nhiệm vụ duy nhất là nhu cầu sử dụng của con người. Và dù trải qua rất nhiều thử thách -anh vẫn kiên định với lý tưởng sống của chính mình, anh như một tượng đài bằng kim cương luôn giữ mình sạch sẽ dù có bị bao kẻ cố tình đập bể bằng búa rìu dư luận hay bằng sức mạnh xã hội. Anh sống như một bản tuyên ngôn và là một bản tuyên ngôn của cái tôi hùng mạnh.
Đối lập với Roark là Peter Keating – Một kẻ sinh ra, tồn tại và sống dựa vào cái nhìn và sự công nhận của người khác. Khi anh ta mặc một chiếc áo, anh ta quan tâm đến người khác nghĩ gì về chiếc áo chứ không phải anh ta. Khi anh ta thiết kế một công trình, anh ta nghĩ dư luận sẽ nghĩ gì về công trình đó chứ không phải người sử dụng chúng sẽ dùng chúng như thế nào. Chính vì vậy, anh ta sống một cuộc đời đầy lệ thuộc với một nội tâm yếu đuối đáng thương. Anh ta từ bỏ ước mơ làm họa sĩ để theo nghiệp kiến trúc chỉ vì mẹ anh ta bảo Kiến trúc sư sẽ được trọng vọng. Anh ta giống một quả bóng bay mà ai cũng có thể cầm và bắt nó bay lên ở chỗ nào – và cũng bởi là một quả bóng bay nên ngoài việc phục thuộc vào bàn tay của người khác để có thể neo giữ với cuộc sống anh ta trống rỗng ở bên trong và không có gì kết nối anh ta với cuộc sống ngoài bàn tay của những người khác.
Ellsworth Toohey lại là một kẻ rất rất đáng khinh và đáng ghét. Ông ta lợi dụng sự yếu đuối của linh hồn con người để khiến họ từ bỏ sự tự tôn. Ông ta thao túng những kẻ trống rỗng như Peter Keating và tập hợp những người như Keating để hủy diệt những con người tài năng với cái tôi mạnh mẽ như Roark. Ông ta đã làm rất tốt trong việc hủy hoại những tài năng, sự sáng tạo và lòng dũng cảm của nhiều người nhưng ông ta thảm bại trước Roark – một người điên rất hùng mạnh.
Gail Wynand – Một kẻ mang nội tâm đầy mâu thuẫn, chủ của một đế chế sản sinh nên những thứ dinh dưỡng nhằm nuôi dưỡng tâm hồn của những kẻ sống thứ sinh nhưng thực tế lại là một kẻ có lòng tự tôn và cái tôi bản lĩnh – một trong số ít người mà Roark coi là bạn. Ông ta sống một cuộc sống đầy dẫn giữ và mẫu thuẫn – vừa khinh rẻ những kẻ sống thứ sinh nhưng lại kiếm tiền và vỗ về chúng như con cái cha mẹ. Hơn 1000 trang sách nói về cuộc thánh chiến của một bên là cách sống hèn nhát, thiếu chính kiến và thiếu bản lĩnh với một bên là tư tưởng sống tự do, bản lĩnh với cái tôi tự hào.
Tại sao lại là 27 tuổi?
Đây là quan điểm cá nhân thuộc về chính mình sau khi đọc cuốn sách hai lần. Một lần năm 23 tuổi và một lần năm 30 tuổi. 23 tuổi lúc đó bản thân vẫn là một kẻ rất non nớt và thiếu trải nghiệm sống. Vì vậy đọc Suối Nguồn lúc đó thật thiếu sót với tác phẩm. Lúc đó có thể ta sẽ chỉ cảm thán rằng sao một cuốn sách lại dày và dài đến thế. Hoặc cảm thán về sức mạnh nội tâm và bản lĩnh của Roark, từ đó dậy lên sự ngưỡng mộ và kính phục. Với mình là cái thứ 2. Nhưng nếu như đọc lúc 27 tuổi (27 tuổi là đủ “chín” để cảm nhận trọn vẹn những gì cuốn sách có thể mang đến).
Đó là nghệ thuật trong việc miêu tả nhân vật của tác giả. Có những đoạn Ayn Rand mô tả một khuôn mặt của nhân vật y như một công trình nghệ thuật mà không cần dùng đến quá nhiều tính từ.
Đó là ý nghĩa về mặt nội dung của cuốn sách với ngành Kiến trúc nếu như bạn là một Kiến trúc sư. Mình thấy ít người nói về ý nghĩa bề mặt này. Nhưng với mình kiến trúc trong tư tưởng và suy nghĩ của Roark thật trần trụi và ý nghĩa, rất dễ hiểu nhưng không hề dễ làm.Đó là sự nhận thức về cuộc sống hiện tại của bản thân. Liệu ta có đang bán linh hồn của chính mình hàng ngày như bao người đang làm hay không. Roark đã nói, việc bán linh hồn rất dễ dàng nhưng để giữ được linh hồn mới là điều khó.
Đó là lúc bạn thực sự nhận ra – cái mà bạn nghĩ thực sự quan trọng hơn cái mà người khác muốn bạn nghĩ.
Đó là lúc bạn biết rằng: Trước khi anh có thể làm một cái gì đó cho người khác anh phải là một người có khả năng làm những thứ đó. Nhưng để làm ra chúng anh phải yêu quý việc làm đó chứ không phải là những hệ quả mà nó mang lại. Để nhận thức được điều này bạn cần đủ chín để hiểu rằng cảm xúc hay suy nghĩ của người khác từ những gì bạn làm không quan trọng bằng việc cảm xúc và suy nghĩ của bạn khi làm những việc ấy.
Điều này có nghĩa là gì: Khi bạn của bạn nhờ sự giúp đỡ và bạn thấy e ngại, điều bạn nên nghĩ không phải là nếu mình không giúp thì tình cảm bạn bè sẽ đi xuống hay nếu giúp thì người bạn đó sẽ vui vẻ và yêu quý bạn hơn. Điều mà bạn cần suy nghĩ nghiêm túc là bạn đã đủ khả năng để giúp chưa và bạn có sẵn lòng giúp họ trong một tâm thế thoải mái không cầu mong nhận lại không suy nghĩ đong đếm. Bởi nếu bạn vẫn khó chịu thì chính bạn sẽ tự làm cho tình cảm ấy đi xuống bằng cách ghi nợ lòng tốt của chính mình.
Hoặc ví như khi bạn cáu giận với một ai đó, bạn có đủ tỉnh táo để nghĩ rằng điều đó gây hại cho họ như thế nào hoặc khiến họ đau đớn hoặc thất vọng về bạn ra sao không. Nhưng nếu như bạn nghĩ nó sẽ khiến bạn dằn vặt hoặc sai lầm thế nào khi nói và hành động trong lúc cáu giận, bạn sẽ tự thôi thúc chính mình kiềm chế và bình tĩnh hơn trong những lần sau -Nếu bạn là một người có đủ nhận thức để hiểu rằng và nghĩ một cách ích kỷ rằng cáu giận chỉ có hại cho bạn mà thôi. Và là một người ích kỷ thì không ai làm gì gây hại cho mình cả.
Nếu như chưa có đủ độ chín, liệu bạn có trăn trở gì về suy nghĩ của Roark với Peter Keating? Bạn có hiểu nó hoặc bạn có trăn trở và biến nó trở thành câu hỏi chính mình: Anh ta không muốn trở thành vĩ đại mà chỉ muốn được mọi người cho là vĩ đại. Anh ta không muốn tự xây dựng mà chỉ muốn được mọi người ngưỡng mộ như một kiến trúc sư.
Nên đọc Suối nguồn như thế nào?
Trong bài Đọc sách – Hành trình đi tìm nhân dạng của chính mình mình có chia sẻ một số cách mà mình đọc. Bạn có thể áp dụng nó vào Suối nguồn. Từ việc chú ý cả cách mà tác giả sử dụng ngôn từ, hay lưu lại những câu nói mà bạn tâm đắc, hoặc tự phản biện – tự hỏi với những trăn trở.
Nhưng ngoài ra nếu như bạn là một người viết, bạn có thể học cái cách mà Ayn Rand sử dụng giọng văn trong từng phân cảnh của mỗi nhân vật. Ví như khi Dominique xuất hiện – Người phụ nữ điên rồ đầy tự tôn nhưng yêu Roark :)) , bà đã dành một tone giọng đầy mỉa mai và hài hước như chính cách mà cô nàng sống để nói:
Dominique quay sang Peter Keating với một cái liếc nhìn dịu dàng đến nỗi nó không thể có ý gì khác ngoài sự coi thường
Mình đã bật cười khi đọc câu này lên và rất ấn tượng với cách mà tác giả nói lên cái ý đó. Nếu như nó chỉ đơn giản là “Dominique quay sang Peter Keating với một cái liếc nhìn đầy khinh thường” thì bạn vẫn có thể tưởng tượng và đong đếm được sự khinh thường ấy. Nhưng “một cái liếc nhìn dịu dàng đến nỗi nó không thể có ý gì khác ngoài sự coi thường” thì bạn bất lực trước việc mường tượng và cân đo nó.
Bên cạnh đó, bởi mình coi Suối nguồn như một cuốn Self Help (mà mình vốn chẳng đọc sách Self Help-khi-bản-chất-nó-self-hep) nên mình vừa đọc sách lại vừa tự nhận thức bản thân trong thực tại. Không đến nỗi suy ngẫm triết lý sâu sa nhưng mình rất nghiêm túc suy nghĩ bản thân liệu có thực sự là kẻ đang bán linh hồn, là kẻ ích kỷ, là kẻ vị kỷ, là người có tự tôn hay không và những gì mình đang làm mình có thực sự yêu bản chất của cái mình làm hay hệ quả được tạo ra từ nó.
Những đoạn trích hay trong suối nguồn
Ngoài những đoạn mình đã trích ở trên thì có một số đoạn mình rất thích trong cuốn sách này:
Một người mà có thể tạo ra được một thứ đẹp như thế này thì không bao giờ nên cho phép nó được dựng lên cả. Anh ta không nên muốn cho nó tồn tại. Nhưng rồi anh sẽ để cho nó được xây dựng, rồi đàn bà có thể phơi tã lót trẻ con trên các hàng hiên mà anh xây, để đàn ông nhổ trên các bậc thang mà anh ta vẽ. Và những hình thù bẩn thỉu trên các bức tường của anh ta
Đây là Dominique khi nói về công trình tòa nhà Enright của Roark. Đọc nó mình lại nghĩ đến những điểm thiên nhiên hoang sơ và đẹp khi bị “công bố” – Luôn tiềm ẩn rủi ro và chắc chắn sẽ có rủi ro cho chúng giữa thời đại này.
Con người như những cá thể mạnh mẽ, tự tôn, trong sạch, khôn ngoan và dũng cảm. Anh ấy nhìn nhận con người như một thực thể anh hùng. Và anh ấy xây dựng ngôn đền để tôn vinh điều đó. Ngôi đền là nơi con người trải nghiệm sự thăng hoa. Anh ấy cho rằng sự thăng hoa bắt nguồn từ nhận thức về sự vô tội, từ việc nhìn ra sự thật và đạt được sự thật đó. Từ việc sống hết khả năng của mình, Từ việc từ chối sự nhục nhã và không bao giờ làm gì để phải nhục nhã, từ việc có thể đứng khỏa thân dưới ánh nắng mặt trời . Anh ấy nghĩ rằng sự thăng hoa hàm chứa niềm vui và niềm vui là quyền của con người ngay từ khi được sinh ra.
Dominique khi bảo vệ Roark trước tòa khi vụ kiện đền Sto… (mình không nhớ tên nữa. Dù không thể hiểu hết được ý nhưng nắm bắt được một số ý khiến mình rất tâm đắc.
Khi tôi nghe một bản giao hưởng tôi yêu thích, tôi không có được từ nó cái mà người sáng tác ra nó có được. Cái có của anh ta khác với của tôi. Anh ta có thể chẳng quan tâm gì đến cái có của tôi và cũng chẳng có ý niệm chính xác về nó.
– Roark nói
Roark cầm cành cây và nói với Peter Keating:
– Bây giờ tôi có thể làm cái gì tôi muốn từ cành cây này – một cây cung, một ngọn giáo, một cái gậy hay một hàng rào. Đó là ý nghĩa của cuộc sống.
– Sức mạnh của anh ư?
– Không, lao động của anh
Cái đắt nhất ở đoạn hội thoại này chính là câu “Lao động của anh”. Mọi người có hiểu nó như mình hiểu không?
Nếu một người không thể tôn trọng bản thân thì người đó không thể yêu hay tôn trọng người khác được
Vẫn là Roark.
Thực tế trong cả cuốn sách Roark nói rất ít. Nhưng những gì anh nói đều rất đáng suy ngẫm. Và những gì anh làm lại càng đáng để chúng ta trăn trở hơn. Nếu như bạn không ngại độ dài của nó, thì ngần ngại gì mà không cầm cuốn sách lên và đọc nó.