Ba mẹ già rồi!!!!!!

December 1, 2021 0 By tamvivu

Bạn thử đếm tóc bạc của bố sau mỗi mùa lúa mùa đồng, tính nếp nhăn trên khuôn mặt của mẹ sau mỗi mùa gió bấc, bạn sẽ thấy rằng ba mẹ chẳng còn trẻ nữa và bạn chẳng còn bao nhiêu thời gian để thể hiện tình yêu thương và biết ơn của mình với họ.

Khi người hỏi tôi về sự bình yên, tôi kể người nghe về một tối nọ, khá muộn, tôi trở về nhà vào tối muộn sau những tuần miệt mài bên công việc nơi thành phố, và thấy bác Bằng đang lụi cụi trong bếp nấu nồi canh trứng hành hoa huyền thoại.

Khi người hỏi tôi về “khoảnh khắc chờ đợi nào bạn thấy hạnh phúc nhưng đong đầy nước mắt”, tôi kể người nghe về hình ảnh bác Đào đội chiếc nón trắng, ngồi nép một bên cổng nhà lúc 10h đêm, trong cái ánh tối tối sáng sáng của một đêm mồng 8 trăng trời còn khuyết một mảnh, dọa tôi sợ chết khiếp. Đó là cái hôm tôi bắt đầu chuyến hành trình về quê từ thành phố khá muộn. ấy, ý tôi là khoảnh khắc kinh dị.

Người hỏi tôi về điều gì khiến tôi luyến tiếc và nhớ mãi. Tôi kể người về những chiều buồn hai Bác tất bật chuẩn bị cho tôi chuẩn bị ra phố. Những ngọn rau đay mơn mởn được gói trong chiếc bọc với tấm lá chuối che chắn bên trên, những bó rau mồng tơi mơn mởn ngọn xanh, nắm xôi đậu gói trong chiếc lá chuối được hơ lửa thơm nồng, chục quả trứng gà dành dụm gói trong những mảnh giấy, dăm ba quả mướp non bứt vội trên giàn. Hai bác gói kém buộc nối cẩn thẩn thận rồi chất lên xe cho tôi chở chuyến xe tình thương cứu đói ra thành phố. Rồi sau câu chào, tôi phóng xe ra ngõ, bỏ lại những câu dặn dò muôn thuở như một của hai bác, bỏ lại ánh nhìn xa xăm (tôi đoán vậy dù k bao giờ quay lại nhìn) của hai bác, bỏ lại những chiều quê và nỗi trông mong vời vợi để lặn lội ra thành phố tiếp diễn cuộc sống của một người trẻ. Lần nào đi được một quãng tôi cũng nghĩ: Nếu mình quay lại thì sao nhỉ? Mình muốn quay lại không? Mình quay lại và ở nhà luôn, rồi mình sẽ làm gì? Tiếp theo của sự quay lại ấy là như thế nào? Cái kịch bản cũ mèm nào lặp đi lặp lại trong tất cả những lần về quê, có khác chỉ là, những thực phẩm cứu đói thay đổi theo mùa mà thôi.

Ừ thì

Nồi canh trứng hành hoa của bác Bằng vốn chẳng ngon, lờ lợ mùi mì chính, thứ gia vị đam mê của bác Bằng, nhưng tôi vẫn hồ hởi ăn 2 bát =)))

Cánh cổng nhà tôi vốn đón được tất cả mọi loại gió, từ gió mồ côi cho đến gió có bầy, nhưng chắc bác Đào ngồi đó đón gió thành phố – là tôi – về quét sạch cửa nhà – nên bác ngồi đó cản gió chứ đâu phải đón gió. Hoặc bác đón tôi – đứa con thân gái dặm trường liều mạng phi xe về với bác trong trời đêm tối.

Những chuyến hành trình ấy luôn làm tôi cười, tôi khóc tôi vui và hạnh phúc.

Nhưng rồi
….

Đố ai đếm được vì sao, đố ai đếm được công lao cha mẹ

trên đời này nhiều thứ không đếm được lắm, lẫn trong đó, là những vết nứt trên đôi chân trần của bác Đào và những sợi tóc bạc trên mái đầu của chồng bác – Bác Bằng.
Càng lớn, ý tôi là lớn tuổi, tôi lại càng nhận ra được sự thật phũ phàng.

Hai bác già rồi!

Bác Bằng giờ mà vật tay với tôi chắc thua một nước, bác Đào giờ mà đòi rượt cho tôi ăn roi quắn đít chắc bị tôi cho cho hít khói.
Bác Bằng giờ không mấy manh động như ngày xưa nữa rồi, hạn chế leo tường, hạn chế gây sự. Xưa bác bê phăng phăng bao lúa 50 cân từ sân vào nhà, nay bác đã phải đặt bao lúa lên chiếc bạt rách và kéo lê chúng vào buồng. Xưa bác đầu đội trời, chân đạp đất, vai vác xi, tay xách hồ. Giờ bác đầu đội mũ cối, chân đạp dép, vai chỉ để gánh đôi gánh nước khi cần và tay dắt bò thôi.

Bác Đào giờ cũng hạn chế làm quên ngày tháng, quên tối sáng như xưa rồi. Xưa bác đi bộ phăm phăm từ đồng Trên đến đồng Sỏi, từ Mả Chanh ra Mả Húng, nay bác đi đâu là cặp kè chiếc xe đạp Thống Nhất cũ theo đấy. Xưa mình Bác cân cả cánh đồng từ sáng sớm tinh mơ đến tối thấy sao trời. Giờ Bác khó khăn khi lội bùn, và dăm ba ngày mùa đi qua là chiếc lưng của bác phản đối dữ dội.

Thời gian trôi nhanh như chó chạy ngoài đồng vậy.

Hai bác già thật rồi!

ba mẹ mình già vậy đấy, ba mẹ bạn đã già chưa? Và bạn đã trưởng thành chưa?