Thủy Điện Sơn La – chấm dứt sự hung hãn của một Đà Giang kỳ vĩ

April 26, 2022 0 By tamvivu

Thủy Điện Sơn La – chấm dứt sự hung hãn của một Đà Giang kỳ vĩ hay tạo một bước chuyển mình cho một dòng sông hiền hòa và gần gũi hơn!

Sông Đà hùng vĩ, nên thơ, là dòng văn hóa lịch sử, là nét duyên của núi rừng Tây Bắc và ngự trị trên dòng sông ấy cũng có một công trình kỳ vĩ là biểu tượng của trí tuệ Việt Nam và là niềm tự hào của ngành thủy điện đất nước.

Từ Thành phố Sơn La chúng tôi đi tới thị xã Ít Ong cách khoảng 40km trên những con đường uốn lượn qua xã Mường Bú, Mường La. Vượt qua cây cầu Vạn Bú bắc qua dòng sông Đà hiền hòa chảy bên dưới chúng tôi đi tới Thủy Điện Sơn La với tâm trạng háo hức được chiêm ngưỡng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á – công trình tự lực của người Việt và là niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam. Những ai đã từng học qua Ngữ Văn lớp 12 hẳn còn nhớ ấn tượng về dòng sông Đà qua lời kể của Nguyễn Tuân là sự kỳ vĩ, nguy hiểm nhưng cũng đầy bí ẩn và quyến rũ. Nhưng dưới chân công trình thủy điện Sơn La, dòng sông Đà đã thu liễm được cái hung hãn của một con Thủy quái Tây Bắc và thay vào đó là một dòng chảy hiền hòa với làn nước trong vắt soi được cả những sỏi đá chỗ nước nông.

Đập thủy điện Sơn La- Biểu tượng kỳ vĩ của trí tuệ Việt Nam

Chỉ sau khoảng 2km sau khi qua khỏi cầu Vạn Bú, công trình thủy điện Sơn La hiện ra sừng sững trước mắt đoàn chúng tôi với bức tường bê tông cao như một tòa nhà cao tầng chiếm trọn lòng sông. Được biết con đập của công trình Thủy Điện Sơn La có chiều cao 138m (tương đương chiều dài của một tòa nhà cao 35 tầng), dài 96,1m. Nó là một kết cấu đủ kiên cố để chịu lực của 9,26 tỷ mét khối nước trong lòng hồ. Nếu như con đập này vỡ, nó sẽ có thể thổi bay một chiếc xe tăng 4 tấn như một chiếc lá vàng và chỉ sau 30 phút, 15 triệu người dân cùng toàn bộ đồng bằng Bắc Bọ sẽ chìm sâu trong biển nước. Để hoàn thành công trình này, 14 triệu mét khối đất đá đã được đào đắp, 12,5000 hộ dân cần sơ tán và 72 ngàn tấn thiết bị được lắp đặt. Cây cầu Vạn Bú mà chúng tôi vừa đi qua có tải trọng 30 tấn nhưng nó đã từng gánh trên lưng 280 tấn máy biến áp trong một lần vận chuyển. Tôi không rõ người ta đã làm cách nào để có thể di chuyển một khối lượng khổng lồ ấy đi qua cây cầu có tải trọng chỉ bằng 1/10. Với 8 năm khởi công xây dựng, công trình Thủy Điện Sơn La đã được hoàn thành vào năm 2012 – trước 3 năm so với thời hạn định ra. Đây là một kỷ lục và nó được tạo nên bởi bàn tay và khối óc của những con người Việt Nam. Phía dưới con đập là dòng Đà Giang hiền hòa chảy xuống phía dưới hạ lưu, bên bờ là công trình nhà máy thủy điện Sơn La, nơi mà chúng tôi đã phải dừng trước cửa vì đến thăm đúng dịp có đoàn công tác. Phía bên kia của con đập khi chúng tôi lên trên đỉnh đập là một lòng hồ mênh mông nước với ước tính hơn 9 tỷ mét khối nước. Thật khó có thể tin được những gì mà con người có thể làm với thiên nhiên – chặn dòng chảy và tạo nên một bức tường kiên cố chịu được áp lực của 10 tỷ m2 nước ấy, và cùng với đó là tận dụng sức mạnh của thiên nhiên để cung cấp nguồn năng lượng cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt và cuộc sống của cả triệu triệu người dân Việt Nam.

Còn đâu dòng Đà Giang với những thác ghềnh và dữ dội

Từ khi dự án Thủy điện Sơn La bắt đầu khởi công, người ta biết rằng dòng sông Đà kỳ vĩ, quanh co và có phần hung hãn bên dãy Huổi Luông sẽ không còn nữa, thay vào đó sẽ là một Đà Giang thơ mộng có phần hiền hòa và dịu dàng như những cô sơn nữ vùng Tây Bắc mà sông ngự trị. Cũng chẳng biết vậy là tốt hay xấu nhưng vớ hơn 10 tỷ Kw điện mỗi năm mà nhà máy Thủy Điện Sơn La cung cấp – công suất lớn nhất trong các nhà máy thủy điện khu vực Đông Nam Á, những tranh cãi hay nuối tiếc sẽ chìm sâu dưới dòng Đà Giang.

Ít Ong Mường La những ngày cuối tháng 4!