Dăm ba cái chuyện ngã xe trên đường đi bụi
Đứa trẻ sẽ chẳng thôi trèo cây dù bị ngã đau cũng giống như những kẻ mê di cũng chẳng từ bỏ hành trình của mình chỉ vì dăm ba lần ngã xe.
Ngã xe chẳng có gì tồi tệ nếu sau đó bạn vẫn có thể tiếp tục hành trình một cách ngon lành và vui vẻ, nhưng thận trọng hơn.
Tôi không thể nhớ được số lần ôm cua mướt rượt trên khắp các hành trình hiểm trở chinh phục các nẻo đường đất Việt. Nhưng tôi lại đếm được và nhớ rõ từng lần ngã xe. Và với tôi những cú ngã trên đường đi bụi không tồi tệ đến thế, quan trọng là bạn vẫn sống và đi tiếp được sau đó.
Ngã xe – sự cố hay trải nghiệm?
Ngã xe là một sự cố không thể tránh khỏi với những kẻ mê đi, cũng như ngã cây là một điều bình thường với đám trẻ con ngày xưa vậy. Tụi nhỏ không bao giờ vì ngã cây mà thôi trèo cây, và mấy kẻ mê đi cũng chẳng từ bỏ những chuyến hành trình chỉ vì dăm ba lần xây xước. Tất nhiên, những cú ngã đó đều khá xoàng xĩnh không gây tổn thương gì đến gân cốt xương xảu nội tạng. Nặng lắm thì bạn chỉ mất miếng da, xước miếng thịt và đổ chút máu mà thôi.
ảnh: Đường về Tp Điện Biên (Tôi không lưu được cái ảnh tôi ngã nào luốn ấy
Nhưng ngã xe là một sự cố nếu không xảy ra thì tốt mà xảy ra rồi thì nó là một trải nghiệm. Một trải nghiệm nhớ đời mà bạn sẽ không bao giờ quên được trong suốt quãng đời sau đó của mình. Nó mang đến cho bạn những nỗi đau, những cũng khiến bạn nhận ra mình mạnh mẽ hơn những gì mình tưởng. Sau những cú ngã xe đó, bạn đứng dậy, mặc chiếc cùi chỏ tay đang rướm máu, bạn dựng xe lên và đưa xe sát vào lề đường. Phủi sạch quần áo và xem xét vết thương. À, chỉ là vết xước, xương cốt lành lặn, tay chân thẳng cong vẫn tiện, hơi thở vẫn đều và nội tạng không thấy cái nào đau đớn. Rồi bạn nghĩ, may thế, mặc dù có khớp gối có vẻ sai sai, mũ bảo hiểm thì xước một mảng và quần bạn đã rách một miếng. Rồi bạn nổ máy xe, đi tiếp, quãng đường tới bạn chùn tay một chút, chậm lại một chút. Bạn tập trung hơn vào tay lái và con đường. Có nghĩa là chuyến đi vẫn tiếp diễn, rồi sau đó, khi trở về, và có dịp kể lại cho bạn bè nghe về chuyến đi đó, bạn không khỏi tự hào và vui vẻ mà kể rằng: Hồi đó tao ngã ngay đoạn cua đó, đoạn dốc đó, xe với người trượt đi mấy mét, tay chân xước hết cả, rướm máu ướt một mảng quần, cái quần rách giờ tao vẫn mặc đây. Nhưng vẫn đi tiếp, nhưng thận trọng hơn thôi.
Đó chắc chắn là cái tiến trình của bạn nếu thực sự bạn là những kẻ mê đi và những cú ngã xe đó là những cú ngã thực sự, không để lại hậu quả nào đáng tiếc.
Tôi đã ngã khắp đất nước
Tôi đã ngã xe rất nhiều lần, ngã từ Đông Bắc, nơi đá nở trên hoa, ngã sang Tây Bắc, nơi núi rừng trắng màu Hoa Ban. Tôi ngã từ Bắc qua Nam, từ vùng đồng bằng đến miền đất đỏ Tây Nguyên. Không có nơi nào tôi chưa in dấu ngã của mình. Có những cú ngã khiến tôi đổ máu, có những cú ngã đánh bại ý chí và lòng can đảm, cũng có những cú ngã kéo theo những nụ cười giòn tan. Và sau mỗi lần ngã, tất nhiên tôi đều đi tiếp và có khi còn cảm thấy hưng phấn hơn sau một số lần ngã.
Nhớ có lần ngã trên đường từ Chung Chải lên cực Tây A Pa Chải (Điện Biên). Lúc đó vào khoảng đầu tháng 2 năm 2020, khoảng 8h tối tôi mới đến Chung Chải, rẽ vào con đường đèo để lên A Pa Chải là lúc trời tối đen như mực, càng vào sâu thì càng thưa bóng nhà, thỉnh thoảng mới gặp một ngôi nhà còn sáng đèn và có tiếng người. Xung quanh màn đêm tĩnh mịch, chỉ có tiếng xe và cái bóng đèn chết bằm nhập nhoạng của xe tôi. Đi cũng hãi vì vừa tối, nhà thì không thấy, hai bên thì toàn rừng cây, chỉnh thoảng gặp cái cột mốc báo còn bao nhiêu km mà đếm mòn vẫn chưa thấy con số giảm, xe đi ngược chiều bói mãi cũng chẳng thấy. Tôi lúc đó cũng thầm cầu khấn ông bà tổ tiên rồi, độ dùm con đi đến nơi bình yên. Nhưng đến đoạn giữa đèo chỗ có cái khúc cua (so về độ dốc, gắt thì chỉ xứng làm cháu của mấy góc cua trên đèo xuống bến thuyền sông Nho Quế), xe, tôi và người bạn đằng sau tôi chẳng hiểu sao sà xuống đường, cả ba đứa tiếp xúc thân thiện với mặt đường khoảng mấy m mới chịu dừng lại. Tôi khá bất ngờ, chưa lần nào tôi tiếp xúc với mặt đường kiểu này (mấy lần ngã trước tôi toàn nhảy khỏi xe). Cũng sựng lại một chút và thấy hơi hoảng, tự hỏi:
– Mình ngã thế nào ấy nhỉ?
Nhưng tôi hồi rất nhanh, vì lo cho bạn đồng hành đằng sau, bởi tôi thấy mình khá ngon lành không hề hấn mấy. Bạn đồng hành hơi yếu, mới hỏi dồn xem bạn sao không. Bạn bị nặng hơn tôi, đầu gối xước nặng, phải đứng một lúc mới đi được. Tôi dìu bạn đến rìa đường rồi lật đậy dựng xe, thu đồ đang bày hết cả lên mặt đường lại. Rồi soi đèn xem thử chấn thương của bạn. Trộm vía cả hai đứa chỉ bị chấn thương phần mềm, bạn tôi bị năng ở phần đầu gối và bàn tay chống hơi đau. Tôi bị xước một mảng da tay bên phải, rớm máu, giờ vẫn còn sẹo mờ, nhưng vẫn thầm cảm ơn trời là còn may chán.
Lúc đó chúng tôi thu gọn nhanh rồi lại lên xe đi tiếp (may quá chiếc xe không sao). Đến nhà nghỉ (đoạn này đau khổ lắm, chắc tụi tôi hôm đó suýt ăn đạn vì định phóng xe vượt biên – tui phóng qua cả barie vì có ai canh đâu rồi xông đến đường biên và dừng cách 20m). Quay lại nhìn đằng sau thấy 2 anh biên phòng hớt hải chạy ra la:
– Quay lại
Thế là tôi quay xe và nhận được tin sét đánh là Dịch, điểm treck cực đóng cửa không cho lên. Ôi lúc đó muốn chửi thề lắm.
Thật xin lỗi sa đà quá tôi đang muốn nói về mấy cú ngã. Sau chúng tôi vẫn tìm nhà nghỉ và xem xét kỹ hơn vết thương, tôi không biết do tôi ngã nhẹ hay như thế nào những lúc đó tôi cảm thấy rất bình thường với chuyện ngã. Sự hoảng hốt lúc mới ngã xong đã mất đi. Giờ là lúc lo chuyện ngày mai và ăn uống nghỉ ngơi đêm nay. Sau chuyện đó vẫn ôm mấy con đèo từ Điện Biên về Sơn La rồi mới về Hà Nội. Cú ngã trở thành một hồi ức đáng kể lể trong mỗi lần bạn bè muốn tôi chia sẻ về trải nghiệm trong các chuyến đi. Mỗi lần thế tôi đều nói rằng, ngã đau đây, nhưng mới nhớ lâu.
Bên cạnh cú ngã huyền thoại này thì tôi còn ngã ở đường lên đồn biên phòng Pha Luông, đường này ngã nhiều như ăn cơm. Đi 3m ngã một cú là chuyện bình thường. Đến độ tôi quen luôn, còn chuẩn bị tư thế ngã sao cho “đẹp mắt”. Rồi cái vụ đi chân đất cũng ngã trên đường đất đỏ Tây Nguyên vào mùa mưa (lúc đó tôi quăng xe nhờ bạn nhỏ dân tộc đi hộ và tôi thì đẩy xe, nhưng xe không ngã, tôi ngã) – lần ngã này bẩn, nhưng vui, người đầy đất đỏ.
Ảnh: Bình yên trước cú ngã.
Không quan trọng ngã bao nhiêu lần, đứng lên sau mỗi lần ngã là ok
Sau mỗi lần ngã tôi đều rút kinh nghiệm để đoạn đường kế tiếp sẽ không bị ngã nữa. Như việc chỉ ngồi nửa mông, trên xe, sẵn sàng tư thế ngã bất cứ lúc nào. Còn cú ngã đường A Pa Chải thì khiến tôi hạn chế đi đêm. Luôn có những bài học rút ra sau mỗi lần ngã, và mỗi lần ngã bạn đứng lên được thì ngã chẳng có gì đáng sợ hay tồi tệ. Tất nhiên tôi không hề khuyến khích các bạn hãy cố để ngã để có những trải nghiệm hay ho. Phải luôn đặt bản thân an toàn lên hàng đầu, không phải cú ngã nào cũng may mắn, ngã xe luôn rất nguy hiểm. Nhưng tôi muốn nói rằng, đừng chỉ vì cú ngã mà bỏ cả một cuộc hành trình, đừng chỉ vì cũ ngã mà khiến bạn chùn chân và nhụt chí. Ngã xong vẫn đứng lên là ngon rồi, go go go :))