Bao dung với nguời khác cũng là dịu dàng với chính mình

April 8, 2023 0 By tamvivu

Thế giới có hai kiểu nguời. Kiểu thứ nhất coi bao dung với kẻ khác chính là coi nhẹ bản thân. Kiểu thứ hai lại lấy tha thứ bao dung chính là khiến cuộc sống của mình nhẹ nhàng đi.

Tôi không phán xét kiểu nguời thứ nhất, cũng chẳng chê bai kiểu nguời sống theo cách thứ 2. Nhưng rốt cuộc dù là bao dung hay khắc nghiệt với người khác, điều chúng ta muốn rốt cuộc cuối cùng cũng chính là khiến cho tâm tình thoả mãn. Điều này lại liên quan mật thiết đến nhân sinh quan và tính cách của mỗi người. Vậy nên ta không lấy quyền gì mà chê bai hay phán xét. Chỉ là tôi muốn bàn một chút về nhân sinh. Để xem bao dung bao nhiêu là đủ và khắc nghiệt thế nào để bản thân vẫn nhẹ bẫng sau những va chạm.

Ai cũng không dễ dàng gì, cớ sao phải khắc nghiệt với nhau!

Hiện tại tôi sống cùng với hai đứa em ít tuổi hơn. Tôi một phòng và các em chung một phòng khác. Chúng tôi đều là phận bèo nuớc gặp nhau giữa thành phố rộng lớn này. Nhưng căn nhà nhỏ chật hẹp lại khó có thể chứa được hai con nguời với cá tính trái nguợc nhau.

Hoa là một giáo viên nguời Hải Dương – một nguời đủ khôn khéo để tồn tại trong môi trường trường công khắc nghiệt và xô bồ. Ngược lại – Thuý lại là một sinh viên Y tới từ Thái Nguyên với cá tính mạnh mẽ. Một người khôn khéo – hay nói ít làm và một kẻ hoang dại với cá tính mạnh, cái tôi cao, nổi loạn và có phần ích kỷ. Từ trong tính cách các em đã thấy được sự mâu thuẫn mạnh mẽ huống chi còn cùng ngủ và sinh hoạt trong một không gian nhỏ chật hẹp.

Cuộc sống chung có dễ gì mà không xảy ra va chạm mâu thuẫn. Và với hai con người có cá tính trái ngược ấy, mâu thuẫn phải chăng cũng như cơm bữa hàng ngày. Chúng ta có thể chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân, nhưng lại không dung được người ta ghét trong mắt một hạt cát. Phải chăng bởi vậy, những mâu thuẫn giữa hai con người có cá tính trái ngược, ghét nhau có thể dẫn đến những tình huống vượt quá cả những tranh cãi thường tình.

Nếu như Hoa thường xuyên móc mỉa xỏ xiên thì Thuý lại là người bộc trực thẳng thắn và có phần thiếu tôn trọng. Các em không bỏ qua bất cứ lỗi lầm hay sai sót gì của nhau, chỉ mong tìm ra được lỗi ở người kia để có lý do thêm phần chán ghét. Tôi không can dự, nhưng lòng trộm nghĩ phải chăng sống cùng nhau như thế quá mệt mỏi.

Thực ra khi người có lỗi lầm, ta phải xem có phải họ cố ý hay không. Nếu như một con người cố tình sống tệ – thì phải chăng lưu lại bên người ấy chỉ khiến ta thêm mệt mỏi. Còn suy xét kỹ thấy họ cũng chẳng phải cố ý, thì cớ gì ta phải khắc nghiệt buông lời dèm pha móc mỉa. Chỉ cần nhắc nhở nhẹ nhàng là mọi chuyện đã qua, cần gì phải chỉ trích chê bôi.

Chúng ta đều là những người sống xa nhà, đều ở thành phố lăn lộn với đời với nguời, chịu đủ mọi áp lực khi dễ từ những nguời xa lạ khác. Cớ gì về nhà chúng ta phải khắc nghiệt với nhau thêm nữa. Bao dung một chút với nhau, mỗi người đều lùi một bước trời cao biển rộng.

Cũng có lần trong cuộc tranh cãi tôi mang ý này ra hỏi hai em, cũng chẳng biết hai em suy nghĩ thế nào. Nhưng ngẫm lại, tình huống này đâu phải chỉ là cá biệt trong hoàn cảnh mà tôi vô tình gặp phải. Phải chăng trong cuộc sống, chúng ta những con người vẫn thường khắc nghiệt quá với nhau mà quên rằng bao dung với người khác cũng là dịu dàng với bản thân.

Bao dung người khác cũng là dịu dàng với chính mình

Chúng ta liệu có bao giờ ngẫm lại khi những cuộc tranh cãi qua đi, lòng ta có mấy khi thanh thản – dù ta là người cãi thắng. Chúng ta liệu có bao giờ tự vấn – bản thân trong các cuộc tranh cãi ấy liệu có phải đã đánh mất một phần con người mình. Khi chúng ta sẵn sàng mạt sát người bên cạnh và ném vào họ những lời nói sắc nhọn và đầy sát thương. Liệu bạn có bao giờ tự nhìn lại hình ảnh bản thân mình lúc ấy – bạn có chấp nhận mình là một con người như thế.

Sự hả hê khi thắng thế trong các cuộc tranh luận gay gắt rồi cũng sẽ qua đi, nhưng những nặng nề nó mang đến lại đeo bám ta giờ giờ khắc khắc.

Vậy thì cớ gì trong tất cả những cuộc tranh luận ấy – dù rằng đối phương là người sai, ta không nhẹ nhẹ nhàng nhàng suy tính. Dù suy nghĩ có phần ích kỷ – rằng ta vốn chẳng phải dễ dãi hay nhu nhược mà bỏ qua những xấu xí của người – ấy chỉ đơn giản rằng ta không muốn lòng ta vướng bận nặng nề. Cũng chẳng phải bao dung với người khác để tỏ ra thánh thiện và cao cả, ấy là bởi ta quá coi trọng bản thân mà không nề hà đến lỗi lầm của người mà thôi.