Sự thật trần trụi về những góc khuất của tâm lý con người qua “Chết giữa mùa hè”
Review Chết giữa mùa hè – Phải có sự cảm nhận và giác quan nhạy bén đến thế nào tác giả mới có thể nắm bắt được những chuyển biến rất đỗi thầm kín của tâm lý con người trong “Chết giữa mùa hè” để khai thác nó, mổ xẻ nó và tô điểm cho nó một bộ cánh hiện thực trần trụi.
Vừa đọc xong Chết giữa mùa hè. Không nắm bắt được quá nhiều ý của tác giả, cũng không hiểu được cuốn sách muốn truyền tải thông điệp gì. Chỉ thông qua những câu chuyện mà nhìn nhận hiện thực và những góc khuất tâm lý vừa hiện thực, vừa đáng sợ lại cũng vừa hư ảo. Cuốn sách là những tập truyện ngắn mà chủ đề chính là tình yêu và cái chết. Và cái cách mà Mishima – tác giả nói về chúng mới đa sắc màu làm sao. Có cái chết rất đỗi nhẹ nhàng , cũng có cái chết là sự giải thoát, cũng có cái chết là sự lựa chọn đầy bi tráng. Có tình yêu rất đỗi tự nhiên, cũng có những tình yêu giằng xé và đầy suy tưởng.
Những cái chết và tình yêu vừa hiện thực lại vừa hư ảo
Mở đầu là câu chuyện về cái chết của một quân nhân và vợ của ông. Cái các Mishima mô tả cái chết của người quân nhân thật bi tráng và của người vợ vừa nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Nhưng suy cho cùng, chúng ta sẽ cảm tưởng cái chết trong truyện ngắn đầu tiên này chỉ có ở thời Sa hoàng Nhật – còn ở thời hiện đại, chúng ta nhận thức rằng rất khó khăn để con người từ bỏ sự sống khi có quá nhiều hoan lạc níu giữ chúng ta. Suy cho cùng, cái chết ở đây là sự lựa chọn của những tâm hồn bất khuất, chung thủy và không hề có sự dằn vặt, đắn đo gì trước khi lựa chọn nó – Và tâm điểm ở đây chính là người chết, cách mà Mishima mô tả cái chết của hai vợ chồng người quân nhân vừa chi tiết, vừa trần trụi khiến người đọc sởn gai ốc. Ngược lại, cái chết trong truyện ngắn “Chết giữa mùa hè” lại tự nhiên và nhẹ nhàng đến rồi nhẹ nhàng đi, trần trụi, bình thản. Nhưng tâm điểm ở đây lại là người sống – sự chuyển biến trong tâm lý của người sống – từ việc khó chấp nhận đến việc bình thản tiếp nhận cái chết của người thân và chờ đợi những cái chết tiếp theo như cái cách nói lạc quan của một người vừa bị đâm xe nhưng may mắn không hề hấn gì và đứng dậy cất lời: Xe tiếp theo , vậy.
Về tình yêu, thực sự tình yêu trong những câu chuyện của Mishima hết sức xa lạ và khó hiểu. Như trong “Gì HaruKo”, cả câu chuyện người dẫn chuyện là người cháu trai của gì Haruko và những chuyển biến trong tâm lý của người cháu, nhưng xét cho cùng, cái mà câu chuyện muốn đề cập lại là mối tình đồng tính nữ của người Gì và người em chồng. Tình yêu của người cháu trai chỉ như làm nền cho mối tình đồng tính nữ ấy dù nó không được đề cập nhiều và rõ ràng trong câu chuyện. Những chung đụng xác thịt tưởng chừng chỉ là chuyện bên lề, nhưng những đụng chạm đầy cảm xúc lại được mô tả hết sức chân thực và trần trụi.
Review Chết giữa mùa hè – Khâm phục cái ý trong câu và cái chất trong từ của tác giả
Mình không thể Review Chết giữa mùa hè theo một cách thông thường là nó rất đáng đọc hay rất hay. Nó không phải là cuốn sách dành cho tất cả mọi người. Đọc Chết giữa mùa hè phải dùng não rất nhiều bởi các câu chuyện không hề tuân theo một trật tự như nó phải vậy. Tưởng chừng như tác giả chỉ đơn giản kể một sự tiếp diễn của sự kiện, hiện tượng và cảm xúc nhưng ẩm trong đó lại là những ý niệm không mấy dễ hiểu. Màu sắc của câu chuyện không mấy nhẹ nhàng, có bi kịch nhưng lại được kể một cách nhẹ bẫng. Có cái chết nhưng không đau đớn mà chỉ tráng lệ. Tuy nhiên bạn sẽ thực sự khâm phục khả năng khai thác tài tình của tác giả về những chuyển biến tâm lý rất khó nhận thất của nhân vật. Ông ấy nắm bắt nó và viết nó ra bằng ngôn từ của ông, ngôn từ đầy ma mị.
Nếu như bạn không phải là một người khó đọc, mình nghĩ bạn vẫn thẩm được Chết giữa mùa hè như một cuốn sách giúp bạn có thêm vốn sống, vốn từ và vốn văn chương.